0702 123 999

Một Số Điểm Sinh Học của Chim Yến Nhà Tại Việt Nam

Ở Việt Nam, chim yến cho tổ ăn được là loài Aerodramus fuciphagus, sinh sống trong nhà phân bố từ Thái Bình đến Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên từ Bình Phước đến Gia Lai, Kom Tum. Tổ yến Việt Nam có chất lượng cao, được khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Tại Việt Nam, bên cạnh chim yến đảo (Aerodramus fuciphagus germani) được phân bố ngoài tự nhiên tại các hang đảo, nghề nuôi chim yến nhà  (Aerodramus fuciphagus amechanus, Aerodramus fuciphagus S.p) đang trên đà phát triển. Qua thời gian dài nghiên cứu, tổng hợp nhiều phương pháp theo dõi trực quan tại các nhà yến, chim yến nhà tại Việt Nam có đặc điểm sinh học như sau:

Chim yến nhà trưởng thành có khối lượng trung bình là 12,3 – 13,0g. Lông chim phần trên thân có màu đen hơi nhạt, phần dưới có màu xám đen hoặc nâu đen, hông có vệt nâu xám, lông đuôi màu đen, ngăn cách giữa phần lưng và phần đuôi là lông màu xám, móng chân màu hồng hoặc màu nâu đen. Mắt màu nâu đen hạt nhãn, cằm màu nâu xám bạc tạo thành vòng cườm. Mỏ màu đen có chiều dài 4,5mm, miệng rộng 6mm và há miệng đến mắt, đầu có chiều dài 24mm. Cánh của chim yến có chiều dài trung bình 93,30mm, lông đuôi có chiều dài trung bình 45,2mm. Ở một số địa phương có thời tiết và nguồn thức ăn ưu đãi quanh năm thì sải cánh chim yến có thể lên tới 22-25cm.

——————————————————————————————–

Thu thập số liệu sinh học chim yến

Chân của chim yến cũng như các loài khác trong họ nhà chim là chân có 4 ngón, chiều dài cẳng chân 11mm, ống chân 17mm, móng chân 7mm. Chim yến sử dụng đôi chân để bám giá thể như: vách đá, bờ tường, giá gỗ. Chim yến không đậu trên các cành cây, dây điện. Do vậy, trong quá trình phát triển tiến hóa của mình, chim yến phát triển bộ móng chân để thích nghi với đời sống đeo bám.

Chim yến thường sống thành quần đàn, không sống riêng lẻ. Chim yến làm tổ ở nơi đảm bảo an toàn, che khuất, ít sự đe dọa của thú ăn mồi. Điều kiện sống và làm tổ của chim yến: nhiệt độ 20 – 29oC, độ ẩm 70 – 85%, ánh sáng thích hợp là 0,02 – 0,2 lux.

Chim yến có thể bay xa đến hàng trăm kilômét để đi kiếm ăn. Vùng kiếm ăn lý tưởng là có khoảng 50% diện tích cây thấp dưới 1m như đồng lúa, bụi cây; khoảng 30% diện tích cây cao trên 5m và khoảng 20% mặt nước thoáng. Thời gian chim rời tổ đi kiếm ăn tùy thuộc vào mùa, khi mặt trời mọc cũng là lúc chim yến bắt đầu đi kiếm ăn. Thời gian rời khỏi tổ từ: 5h00 – 5h30, vào mùa đông thì trễ hơn; thời gian về: 18h00 – 18h30, vào mùa đông thì sớm hơn. Chim không nuôi chim con thì rời tổ đi kiếm ăn cho tới khi quay về tổ để nghỉ ngơi. Những cặp chim đang ấp trứng thì luân phiên nhau về ấp trứng. Những cặp đang nuôi chim con tùy thuộc vào chim con lớn hay nhỏ mà chim mẹ quay về tổ nhiều hay ít. Thức ăn của chim yến là các loài côn trùng có cánh bay trong không trung (kiến cánh, mối, ruồi muỗi, bọ rầy, cánh cứng, bọ xít, chuồn chuồn kim,…).

Bước vào kỳ sinh sản, chim yến mới trưởng thành cùng với chim mái làm tổ chung, những cặp đã trải qua sinh sản rồi thì việc làm tổ là cả 2. Chim yến làm tổ bằng nước dãi của chúng tiết ra từ hai tuyến nước bọt ở dưới lưỡi hai bên má. Vào thời kỳ sinh sản thì tuyến nước bọt phát triển mạnh phình to ra hai bên má. Khi vào mùa làm tổ, mỗi đôi chim yến chọn cho mình một chỗ thích hợp và cùng nhau xây dựng tổ treo sát vào khuôn dầm trần nhà hoặc trên vách tường vuông góc với trần nhà. Mục đích làm tổ là để đẻ trứng, sau khi đi kiếm ăn về nghỉ 30 – 60 phút rồi bắt đầu làm tổ. Chim yến dùng miệng tiết nước bọt ra để làm tổ, dùng mỏ quẹt kéo thành sợi đan thành tổ. Chim yến làm nhiều nhất vào lúc 21h00 đêm đến 4h00 sáng hôm sau. Thỉnh thoảng chim yến về lúc giữa trưa và cũng làm tổ vào lúc 11h00 – 13h00, rồi đi kiếm ăn tiếp. Chim làm tổ cho đến khi đẻ trứng thì chúng dừng lại, tuy nhiên thỉnh thoảng chúng vẫn quẹt vào chân tổ để gia cố cho tổ vững chắc. Thời gian chim làm hoàn thành tổ trung bình 45 ngày. Tổ làm hoàn toàn bằng nước bọt màu trắng hình bán nguyệt, kích thước tổ trung bình để chim đẻ trứng là R = 45mm đến 50mm.

Sau khi làm tổ xong chim bắt đầu giao phối, chim thường giao phối trước khi đẻ trứng 5 đến 8 ngày, sau khi đẻ trứng thứ 2 thì không giao phối nữa. Chim yến thường chỉ đẻ 2 quả trứng màu trắng, kích thước trung bình 21,26 x 13,84mm, trọng lượng 2,25g, vào lúc sáng sớm (khoảng lúc 2h00 – 4h00 sáng), thời gian đẻ giữa trứng 1 và trứng 2 khoảng 2 – 6 ngày. Từ khi đẻ trứng đầu tiên, ban ngày chim trống và chim mái luân phiên nhau ấp trứng và đi kiếm ăn; vào ban đêm thì một con ấp, con còn lại bám trên thành tổ, chúng cũng hay đổi ca ấp cho nhau, một đêm đổi ca ấp khoảng 4 – 5 lần. Khi ấp chim thường dùng mỏ để đảo trứng cho đều.

Bên trong gia đình nhà yến

Sau khoảng 21 – 25 ngày thì trứng đầu tiên nở. Thời gian nở của trứng thứ nhất và trứng thứ 2 cách nhau khoảng 2 – 4 ngày. Khi chim con vừa nở ngày đầu tiên, chim bố mẹ không cho ăn mà nằm ấp ủ ấm cho chim con 1 – 2 ngày, sau đó đi kiếm ăn về cho chim con ăn. Khi đi kiếm ăn thì cả chim bố và mẹ đều bay đi. Tuy nhiên, vào giữa trưa thì có 1 con bay về cho con ăn và nằm ủ ấm cho chim con. Sau khi nở 5 ngày chim bố mẹ khi bay về cho ăn vẫn ấp ủ ấm cho chim con. Ở tuần đầu tiên số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 3 lần, chim bố mẹ chủ yếu cho chim con ăn vào buổi sáng khoảng 6h00 và buổi chiều khoảng 18h00. Ở tuần thứ 2 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 4 lần, lúc này chim con mọc lông tơ nhưng chưa nhiều. Ở tuần thứ 3 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 5 lần, chim con mọc lông tơ nhiều hơn và lông đậm hơn. Ở tuần thứ 4 và 5 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 6 lần, giai đoạn này chim con mọc lông đầy đủ ở các bộ phận (đuôi, cánh,…) và đã đu tổ được, có khả năng đeo tổ tự vỗ cánh tập bay cho tới khi tự bay được.

Số lần chim bố mẹ cho chim con ăn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và tùy từng giai đoạn phát triển của chim con, chim con càng lớn số lần cho ăn tăng lên. Chim mẹ mỗi lần cho ăn thường cho 1 con ăn, nếu thức ăn kiếm được nhiều thì cho cả 2 chim con. Mỗi tổ có 2 chim con, trong khi chim mẹ cho chim con ăn giữa chúng có sự cạnh tranh giành mồi mớm từ mẹ. Giữa 2 chim con sự phát triển không đồng đều. Thời gian nuôi con kéo dài khoảng 40 – 48 ngày (trung bình là 45 ngày). Có một số chim non rời tổ sớm 35 ngày thường xảy ra đối với tổ 1 con do chim bố mẹ cung cấp đầy đủ thức ăn nên chim non sinh trưởng nhanh hơn tổ 2 con với lượng thức ăn ít và chim non thường xuyên tranh giành mồi.

Âm sinh học chim yến: Cũng như bất kỳ một loài sinh vật nào, chim yến cũng có “ngôn ngữ riêng” của mình. Có tiếng chim mẹ, chim con, chim trống, chim mái tiếng gọi bạn tình, tiếng gọi bầy, tiếng đấu tranh… Tần số âm thanh mà loài yến phát ra rơi vào khoảng 1 – 16KHz, tập trung nhất ở khoảng 2 – 5KHz, hoàn toàn nằm trong khoảng tai người có thể nghe được. Chim yến trưởng thành phát ra khoảng 12 tiếng kêu khác nhau vào các thời điểm khác nhau và việc phân biệt được âm thanh của chim yến nhờ vào phân tích âm phổ của âm thanh thu được.

Âm thanh chim con đòi thức ăn từ chim mẹ: Khi chim bố mẹ đi kiếm ăn về, vừa đặt chân lên tổ thì chim con sẽ phát ra tiếng kiêu liên tục đồng thời há miệng to để chim bố mẹ mớm mồi. Tiếng kêu kết thúc khi chúng đã ăn no. Những chim con còn nhỏ nên chúng chỉ phát ra một loại âm thanh duy nhất là âm thanh đòi thức ăn từ chim bố mẹ. Các chim yến con khác nhau nhưng cùng phát ra một phổ âm thanh giống nhau.

Chim yến đi kiếm ăn theo tiếng gọi của bầy đàn. Chính vì vậy mà vào mỗi sáng sớm khi một chim rời khỏi tổ, bay lượn xung quanh gian nhà và đồng thời phát ra tiếng kêu thì tất cả những con chim khác rời tổ, bay lượn xung quanh gian nhà và phát ra những âm thanh ríu rít. Chúng lượn khoảng 4 – 5 vòng thì cùng nhau rời khỏi nhà bay đi kiếm ăn. Âm thanh gọi nhau đi kiếm ăn vào buổi sáng của chim yến nhà có đặc điểm: âm thanh thường có nhiều nhịp, mỗi nhịp kéo dài từ 1,78 – 2,3 giây, tần số âm thanh từ 2-10kHz, âm sắc rất phong phú và đa dạng.

Phổ âm thanh gọi bầy đàn

Chim yến đi kiếm ăn về, chúng chưa bay vội vào nhà mà lại lượn vòng quanh cửa ra vào của nhà và đồng thời phát ra tiếng kêu ầm ĩ, kêu gọi nhau cùng vào tổ của mình. Âm thanh gọi nhau vào nhà vào chiều tối và âm thanh gọi nhau đi kiếm ăn vào buổi sáng của chim yến nhà có tần số âm thanh đều nằm trong khoảng từ 2-10kHz, âm thanh thường có nhiều nhịp, mỗi nhịp kéo dài trung bình 1,8 giây, âm sắc cũng rất phong phú và đa dạng.

Âm thanh dò đường của chim yến: Chim yến trong phòng tối đã định vị bằng âm thanh dội để tránh vật cản và xác định vị trí ở của nó. Âm thanh này nghe giống như một chuỗi tiếng “cạch, cạch”, phát ra liên tục. Âm thanh này có tần số, biên độ và cao độ khác nhau cho mỗi cá thể chim yến. Có dải tần phổ biến nằm trong khoảng từ 2kHz – 8kHz. Mỗi cá thể chim yến phát ra âm thanh có tần số riêng biệt. Khi phát ra gặp vật cản nó sẽ dội lại để chim nghe và thấy được vật cản trước mắt để tránh đi. Khi về nhà chim yến sẽ phát ra âm thanh tìm tổ. Mỗi tổ có một cấu trúc riêng tất nhiên sẽ cho ra âm phản hồi đặc trưng cho nó mà chỉ có chim làm ra tổ đó mới nhận biết được. Vì vậy, mỗi cá thể chim yến sẽ dễ dàng nhận ra tổ của mình ở chỗ nào

——————————————————————————–

Chim yến nuôi trong nhà sinh sản quanh năm vì các cá thể không sinh sản cùng lúc như chim yến ở đảo; có những tháng tỷ lệ chim sinh sản cao hơn các tháng khác và tạo thành một số đỉnh trong năm. Số lần làm tổ và đẻ trứng của chim yến phụ thuộc vào phương pháp thu hoạch tổ, nếu sau khi chim làm xong tổ và chuẩn bị đẻ lần đầu, ta khai thác tổ không cho chim đẻ, ấp nở và nuôi chim con thì chim yến sẽ lập tức làm tổ lại. Chim yến có thể làm tổ nhiều lần. Tuy nhiên, không nên khai thác tổ quá mức sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng quần thể chim yến. Các nhà khoa học, các chuyên gia đang nghiên cứu, hoàn thiện quy trình khai thác yến nhà đảm bảo thuần tự nhiên, hiệu quả về giá trị dinh dưỡng từ tổ yến mang lại. Một bước tiến mới mang tính đột phá là Yến Sào Cửu Long đã nghiên cứu và áp dụng thành công nghệ xanh “Green Technology” và tiêu chuẩn sạch “HACCP+Iso 9001” vào quy trình xây dựng vận hành nhà nuôi chim yến

Chuyên gia chim yến: Phạm Văn Khiết
Tổng Giám đốc Công ty Yến Sào Cửu Long
Email: yensaocuulong1@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.